Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Quốc hiệu

Quốc hiệu

Từ đầu thời đại đồng thau, các bộ lạc người Việt đã định cư chắc chắn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Bấy giờ có khoảng 15 bộ lạc Lạc Việt sống chủ yếu ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, hàng chục bộ lạc Âu Việt sống chủ yếu ở miền Việt Bắc. Tại nhiều nơi, người Lạc Việt và người Âu Việt sống xen kẽ với nhau, bên cạnh các thành phần dân cư khác.
Do nhu cầu trị thuỷ, nhu cầu chống ngoại xâm và do việc trao đổi kinh tế, văn hoá ngày càng gia tăng, các bộ lạc sinh sống gần gũi nhau có xu hướng tập hợp và thống nhất lại. Trong số các bộ lạc Lạc Việt, bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả. Thủ lĩnh bộ lạc này là người đứng ra thống nhất tất cả các bộ lạc Lạc Việt, dựng lên nước.

Văn Lang - Tồn tại 2671 năm (2876 trước CN - 258 trước CN):
Văn Lang, tự xưng là vua - mà sử cũ gọi là Hùng Vương và con cháu ông nhiều đời về sau vẫn nối truyền danh hiệu đó.

Căn cứ vào các tài liệu sử học, có thể tạm xác định địa bàn nước Văn Lang tương ứng với vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta hiện nay cùng với một phần phía nam Quảng Ðông, Quảng Tây (Trung Quốc).

Âu Lạc - Tồn tại 50 năm (257 trước CN - 207 trước CN):

Năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng cho quân xâm lược đất của toàn bộ các nhóm người Việt. Thục Phán - thủ lĩnh liên minh các bộ lạc Âu Việt - được tôn làm người lãnh đạo cuộc chiến chống Tần. Năm 208 TCN, quân Tần phải rút lui. Với uy thế của mình, Thục Phán xưng vương (An Dương Vương), liên kết các bộ lạc Lạc Việt và Âu Việt lại, dựng nên nước Âu Lạc.

Năm 207 TCN, Triệu Đà - vua nước Nam Việt - tung quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại. Suốt 7 thế kỷ tiếp đó, mặc dù các thế lực phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ, chia nước ta thành nhiều châu, quận với những tên gọi khác lạ mà chúng đặt ra, nhưng vẫn không xoá nổi cái tên "Âu Lạc" trong ý thức, tình cảm và sinh hoạt thường ngày của nhân dân ta.

Vạn Xuân - Tồn tại 58 năm (544-602)

Mùa xuân năm 542, Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương, giải phóng lãnh thổ. Tháng 2/544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, khẳng định niềm tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập và mong muốn đất nước được bền vững muôn đời.

Chính quyền Lý Bí tồn tại không lâu rồi lại rơi vào vòng đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc (từ năm 602). Quốc hiệu Vạn Xuân bị vùi dập và chỉ được khôi phục sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán bằng chiến thắng Bạch Ðằng năm 938, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc.

Ðại Cồ Việt - Tồn tại 86 năm (968-1054)

Năm 968, Ðinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân cát cứ, thống nhất quốc gia, lên ngôi Hoàng đế và cho đổi quốc hiệu là Ðại Cồ Việt (nước Việt lớn). Quốc hiệu này duy trì suốt đời Ðinh (968-979), Tiền Lê (980-1009) và đầu thời Lý (1010-1053).

Ðại Việt - Tồn tại 748 năm (1054-1804)

Năm 1054, nhân điềm lành lớn là việc xuất hiện một ngôi sao sáng chói nhiều ngày mới tắt, nhà Lý liền cho đổi tên nước là Ðại Việt và quốc hiệu Ðại Việt được giữ nguyên đến hết thời Trần…

Sau 10 năm kháng chiến (1418-1427), cuộc khởi nghĩa chống Minh của Lê Lợi toàn thắng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, đặt tên nước là Ðại Việt (lãnh thổ nước ta lúc này về phía Nam đã tới Huế).

Quốc hiệu Ðại Việt được giữ qua suốt thời Hậu Lê (1428-1787) và thời Tây Sơn (1788-1802).

Ðại Ngu - Tồn tại 7 năm (1400-1406)

Tháng 3/1400, Hồ Quý Ly phế Trần Thiếu Ðế, lập ra nhà Hồ và cho đổi tên nước thành Ðại Ngu ("ngu" tiếng cổ có nghĩa là "sự yên vui"). Quốc hiệu đó tồn tại đến khi giặc Minh đánh bại triều Hồ (tháng 4/1407).

Việt Nam - Tồn tại 80 năm (1804-1884)

Năm 1802, Nguyễn Ánh đăng quang, mở đầu thời Nguyễn và cho đổi tên nước là Việt Nam, Quốc hiệu Việt Nam được công nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao để trở thành chính thức vào năm 1804. Tuy nhiên, hai tiếng "Việt Nam" lại thấy xuất hiện từ khá sớm trong lịch sử nước ta. Ngay từ cuối thế kỷ 14 đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí do trạng nguyên Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi (đầu thế kỷ 15) nhiều lần nhắc đến hai chữ "Việt Nam". Ðiều này còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), chẳng hạn ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Người ta cũng tìm thấy hai chữ "Việt Nam" trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17 như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Phòng, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Tây, bia chùa Phúc Thành (1664) ở Bắc Ninh.... Ðặc biệt bia Thuỷ Môn Ðình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: "Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan" (đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng từ "Việt Nam" kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam).

Ðại Nam - Tồn tại trên lý thuyết 107 năm (1838-1945)

Ðến đời vua Minh Mạng (1820-1840), quốc hiệu được đổi thành Ðại Nam. Dù vậy, hai tiếng "Việt Nam" vẫn được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm văn học, trong nhiều giao dịch dân sự và quan hệ xã hội.

Việt Nam

Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lật đổ hoàn toàn ách thống trị phong kiến và thực dân, mở ra một kỷ nguyên mới. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Suốt 30 năm tiếp theo, tuy đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, rồi chia cắt, hai tiếng "Việt nam" vẫn được phổ biến từ Bắc chí Nam và trở thành thân thiết, thiêng liêng với mọi người.

Ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, non sông quy về một mối. Ngày 02/7/1976, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, toàn thể Quốc hội đã nhất trí lấy tên nước là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1980 và hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định quốc hiệu đó, đưa nó trở thành chính thức cả về pháp lý lẫn trên thực tế.

Thời tiền sử

Thời tiền sử

Nước Việt Nam thời tiền sử bao gồm: thời đồ đá cũ, thời đồ đá mới.
Thời đồ đá cũ:
Con người đã xuất hiện khá sớm trên đất Việt Nam. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của người vượn Homo erectus trong một số hang động ở Lạng Sơn, Nghệ An, Yên Bái; các dấu tích của nền văn hóa Núi Đọ (Thanh Hoá), Thần Sa (Thái Nguyên), Sơn Vi (Phú Thọ), cách ngày nay khoảng 10.000 - 30.000 năm trước. Khi đó con người đã biết sử dụng công cụ thô sơ bằng đá cuội, sống phân bố khá rộng, khá đông trên đất Việt Nam.

Thời đồ đá mới:
Tiêu biểu với nền văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn (khoảng 6.000 - trên 10.000 năm trước). Con người đã sử dụng nhiều loại công cụ bằng đá có chức năng riêng; biết làm đồ gốm, trồng trọt sơ khai, từ giã hái lượ

Thời kỳ dựng nước

Thời kỳ dựng nước


Thời đại kim khí: (cách đây khoảng 4.000 năm): từ thời đại đồ đồng tới sơ kỳ đồ sắt, trên đất nước Việt Nam đã hình thành ba trung tâm văn hoá lớn đồng đại: Phùng Nguyên - Đông Sơn (Bắc bộ), Long Thạnh - Sa Huỳnh (Trung bộ) và Cầu Sắt, Dốc Chùa - Đồng Nai (Nam bộ). Ba trung tâm văn hoá này có mối quan hệ qua lại mật thiết, lâu dài và góp phần tạo nên đặc trưng truyền thống văn hóa Việt Nam: thống nhất trong đa dạng.

Nước Văn Lang: Kỷ Hồng Bàng (2879 tr.CN - 258 tr.CN), 2622 năm.
Các triều đại gồm Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và 18 đời vua Hùng. Quốc hiệu là Văn Lang, kinh đô là Phong Châu (Phú Thọ ngày nay).

Trên cơ sở nền văn hoá Đông Sơn, ở Việt Nam đã xuất hiện một nhà nước sơ khai, lãnh thổ từ biên giới Việt - Trung (ngày nay) ở phía Bắc đến sông Gianh ở phía Nam. Quốc gia của người Việt cổ, đó là nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.

Nước Âu Lạc: Thục Phán - An Dương Vương (257 tr.CN - 208 tr.CN), 50 năm.
Quốc hiệu là Âu Lạc, kinh đô là Phong Khê (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội ngày nay).

Tiếp sau thời đại các vua Hùng là Nhà nước Âu Lạc do An Dương Vương Thục Phán thành lập vào giữa thế kỷ 3 Tr.CN. Quốc gia này đã được ghi nhận trong Sử ký của nhà sử học Trung Quốc là Tư Mã Thiên. Một kỳ tích của An Dương Vương là xây dựng thành Cổ Loa với ba vòng thành, ngày nay vẫn còn dấu tích.

Nước Chămpa:
Ở Nam Trung Bộ, các văn hoá Tiền Sa Huỳnh cũng phát triển lên thời đại sắt. Tiêu biểu cho nền văn hoá này là những khu mộ chum chứa nhiều công cụ bằng sắt, cùng với đồ trang sức bằng mã não hay ngọc bích. Văn hoá này phân bố rộng từ Thừa Thiên cho đến lưu vực sông Ðồng Nai. Chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh có thể là tổ tiên của người Chăm, những người đã xây dựng vương quốc Chămpa.

Giai đoạn Bắc thuộc (111 TCN - 938)

Giai đoạn Bắc thuộc (111 TCN - 938)

Năm 207 trước công nguyên, nước Âu Lạc bị Triệu Ðà, vua của nước Nam Việt chiếm, và đến năm 111 trước công nguyên, nước Nam Việt bị đế quốc Hán tiêu diệt. Âu Lạc bị chuyển sang tay nhà Hán và bị chia thành các quận, huyện. Từ đây, Việt Nam bước vào thời kỳ chịu sự thống trị của các đế chế Trung Hoa, kéo dài trong mười một thế kỷ.

Chính trị nhà Tây Hán: Chiếm nước ta rồi cải tên nước là Giao Chỉ và chia ra làm 9 quận, mỗi quận có quan thái thú coi việc cai trị trong quận và có quan thứ sử để giám sát các quận. Ở trong quận Giao Chỉ thì có những Lạc tướng hay Lạc hầu vẫn được thế tập giữ quyền cai trị các bộ lạc.

1. Nam Hải (Quảng Ðông).
2. Thương Ngô (Quảng Tây).
3. Uất Lâm (Quảng Tây).
4. Hợp Phố ( Quảng Ðông).
5. Giao Chỉ.
6. Giao Chỉ.
7. Nhật Nam.
8. Châu Nhai (đảo Hải Nam).
9. Ðạm Nhĩ (đảo Hải Nam).

Bắc thuộc lần thứ hai (từ năm 43 - 544):

Chính trị Nhà Ðông Hán (năm 25-220): Mã Viện đánh được Trưng Vương, rồi chỉnh đốn binh lương, đem quân đi đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành đắp luỹ đến đấy và cải cách chính trị trong các châu quận. Ðem phủ trị về đóng ở Mê Linh. Từ đó chính trị nhà Ðông Hán càng ngày càng ngặt thêm, quan lại sang cai trị tham lam độc ác, bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu báu.

Ðời Tam quốc (năm 220-265):
Nhà Ðông Ngô (222-280): Nhà Ðông Hán mất ngôi thì nước Tàu phân ra là ba nước: Bắc Ngụy, Tây Thục, Ðông Ngô. Ðất Giao Châu bấy giờ thuộc về Ðông Ngô.
Nhà Tấn (năm 265-420): Nhà Tấn làm vua được 50 năm thì mất cả đất ở phía tây bắc. Dòng dõi nhà vua lại dựng nghiệp ở phía đông nam, đóng đô ở thành Kiến Nghiệp (thành Nam Kinh) gọi là nhà Ðông Tấn. Ðất Giao Châu ta vẫn thuộc nhà Tấn. Những quan lại sang cai trị thỉnh thoảng mới gặp đuợc người nhân từ tử tế, thì dân mới được yên ổn. Còn thì những người tham lam độc ác làm cho nhân dân phải lầm than khổ sở.
Nam Bắc triều (năm 420-588): Năm Canh thân (420) Lưu Dụ cướp ngôi nhà Ðông Tấn, lập ra nhà Tống ở phía nam. Lúc bấy giờ ở phía bắc thì nhà Ngụy gồm cả nước Lương, nước Yên, nước Hạ. Nước Tàu phân ra làm Nam triều và Bắc triều. Bắc triều thì có nhà Ngụy, nhà Tề, nhà Chu nối nhau làm vua; Nam triều thì có nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương và nhà Trần kế nghiệp trị vì. Lúc bấy giờ Giao Châu phụ thuộc về Nam triều.

Bắc thuộc lần thứ ba (603 -939):

Nhà Tuỳ (năm 589-617): Làm vua bên Tàu được 28 năm thì mất.
Nhà Ðường (năm 618-907): Năm Mậu Dần (618) nhà Tuỳ mất nước; nhà Ðường kế nghiệp làm vua nước Tàu. Ðến năm tân tị (621) vua Cao Tổ nhà Ðường sai Khâu Hòa làm đại tổng quản sang cai trị Giao Châu. Nhà Ðường cai trị nước ta nghiệt ngã. Năm Kỷ Mão (679) vua Cao Tông nhà Ðường chia đất Giao Châu ra làm 12 châu, 59 huyện và đặt An Nam đô hộ phủ. Nước ta gọi là An Nam khởi đầu từ đấy.
Mười hai Châu đời Ðường:

1. Giao Châu - có 8 huyện (Hà Nội, Nam Ðịnh...).
2. Lục Châu - có 3 huyện (Quảng Yên, Lạng Sơn).
3. Phúc Lộc Châu - có 3 huyện (Sơn Tây).
4. Phong Châu - có 3 huyện (Sơn Tây).
5. Thang Châu -có 3 huyện.
6. Trường Châu - có 4 huyện.
7. Chi Châu -có 7 huyện.
8. Võ Nga Châu -có 7 huyện.
9. Võ An Châu-có 2 huyện.
10. Ái Châu - có 6 huyện (Thanh Hóa)
11. Hoan Châu - có 4 huyện (Nghệ An)
12. Diễn Châu - có 7 huyện ( Nghệ An)

Theo lệ cứ hàng năm phải triều cống vua nhà Ðường. Các cuộc nổi dậy của nhân dân dành chủ quyền như: khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (năm 722), khởi nghĩa của Phùng Hưng (năm 766-791).

Ðời Ngũ Quí (năm 907 - 959): Năm Đinh Mão (907) nhà Ðường mất ngôi, nhà Hậu Lương, Hậu Ðường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu, tranh nhau làm vua. Mỗi nhà được mấy năm, gồm tất cả 52 năm, gọi là Ngũ Quí hay là Ngũ Ðại. Tại nước ta liên tục các cuộc dấy binh chống lại đô hộ của phía Bắc và các chính quyền tự chủ được thành lập.

Các chính quyền tự chủ (43-905)

Các chính quyền tự chủ (43-905)

Trong suốt thời kỳ này, nhân dân Việt Nam luôn nổi dậy để giành lại nền độc lập, mở đầu là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43). Tiếp đó là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248). Giữa thế kỷ 6, Lý Bí đã lãnh đạo dân Giao Châu nổi lên đánh đuổi Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên, lập nên nhà nước độc lập đầu tiên, nước Vạn Xuân, nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Dưới ách thống trị của các đế chế Trung Hoa đã bùng lên nhiều cuộc khởi nghĩa: Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (766-791),... và cuối cùng, với chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng năm 938, Ngô Quyền đã chấm dứt thời kỳ thống trị Trung Quốc hơn một nghìn năm, khôi phục nền độc lập cho đất nước.
Chính quyền Trưng Nữ Vương (năm 40-43):

Huý là Trưng Trắc, con gái của Lạc tướng Mê Linh (đất Mê Linh nay thuộc vùng giáp giới giữa Hà Tây với Vĩnh Phúc và ngoại thành Hà Nội). Thân sinh mất sớm, Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị được thân mẫu là bà Ma Thiện (cũng có truyền thuyết nói là bà Trần Thị Ðoan) nuôi dưỡng. Hiện chưa rõ Trưng Trắc sinh năm nào, chỉ biết khi Tô Ðịnh được nhà Ðông Hán sai sang làm Thái Thú ở Giao Chỉ (năm 34), thì Trưng Trắc đã trưởng thành và kết hôn với con trai của Lạc tướng Chu Diên là Thi Sách (đất Chu Diên nay là vùng giáp giới giữa Hà Tây với Hà Nam). Bấy giờ, nhân lòng căm phẫn của nhân dân ta đối với chính sách thống trị tàn bạo của nhà Ðông Hán, lại cũng nhân vì Thi Sách bị Thái Thú Tô Ðịnh giết hại, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị và nhiều bậc hào kết khác, phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa có quy mô rất lớn. Khởi nghĩa bùng nổ vào cuối năm 39 đầu năm 40 và nhanh chóng được nhân dân cả nước nhất tề hưởng ứng. Tô Ðịnh phải hốt hoảng bỏ chạy về nước.

Chính quyền Trưng Nữ Vương tồn tại được trong khoảng gần ba năm (từ đầu năm 40 đến cuối năm 42, đầu năm 43). Sử gia Lê Văn Hưu (1230 - 1322) viết: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà mà hô một tiếng cũng có thể khiến được các quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay. Xem thế cũng đủ biết hình thế đất Việt có thể dựng được nghiệp bá vương." Nhà Ðông Hán đã phải cử tên lão tướng khét tiếng tàn bạo và dày dạn kinh nghiệm trận mạc là Mã Viện sang đàn áp mới tiêu diệt được lực lượng và chính quyền Hai Bà Trưng.

Chính quyền của Bà Triệu:

Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) người đất Quân Yên (nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá), sinh năm nào chưa rõ, chỉ biết khi cùng anh là Triệu Quốc Ðạt khởi xướng và lãnh đạo cuộc chiến đấu chống ách đô hộ của quân Ðông Ngô (năm 248), Bà đã là một cô gái ở độ tuổi khoảng trên dưới hai mươi. Bấy giờ, nhiều người khuyên Bà nên lập gia đình, xây dựng hạnh phúc riêng, nhưng Bà đã khảng khái trả lời : " Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chớ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta". Sau câu nói bừng bừng khẩu khí anh hùng đó, Bà đã quả cảm phát động khởi nghĩa. Quân Ngô sau nhiều phen thất bại, đã tìm đủ mọi thủ đoạn xảo quyệt, thậm chí đã dùng cả tước hiệu Lệ Hải Bà Vương để chiêu dụ Bà, nhưng ý chí của Bà trước sau vẫn không hề bị lung lạc. Cuối cùng, nhà Ngô đã phải sai viên tướng lừng danh là Lục Dận đem đại binh sang đàn áp. Bà Triệu cùng hàng loạt nghĩa binh đã anh dũng hi sinh vào năm 248.

Về thực chất, bộ chỉ huy khởi nghĩa do Bà Triệu cầm đầu cũng là một guồng máy chính quyền. Bà Triệu chưa xưng đế hay xưng vương, cũng chưa đặt quốc hiệu hay niên hiệu, những rõ ràng, guồng máy chính quyền sơ khai do Bà Triệu lập ra, hoàn toàn biệt lập và đối nghịch sâu sắc với chính quyền đô hộ của quân Ngô.

Chính quyền nhà Tiền Lý (542-602):

Năm Nhâm Tuất (542), Lý Bí (còn có tên gọi khác là Lý Bôn) đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy lật nhào ách đô hộ của nhà Lương (một triều đại của Nam Triều ở Trung Quốc thời Nam Bắc Triều). Chỉ trong một thời gian rất ngắn. Lý Bí đã giành được thắng lợi và thiết lập một hệ thống chính quyền độc lập, tự chủ riêng. Nhiều bộ sử cũ vẫn gọi khoảng thời gian từ năm 542 đến năm 602 là thời Tiền Lý, dẫu thực tế không hoàn toàn như vậy. Xét rằng, các chính quyền khác xuất hiện trong khoảng thời gian nào, tuy không đúng là của nhà Tiền Lý nhưng lại được xây dựng trên cơ sở thắng lợi của nhà Tiền Lý, cho nên, chúng tôi cũng gộp chung mà gọi là thời Tiền Lý.

Thời Tiền Lý có mấy hệ thống chính quyền sau đây:

Lý Nam Ðế (542-548):
Họ và tên: Lý Bí (còn có tên khác là Lý Bôn).
Nguyên quán: Thái Bình (đất này nay thuộc vùng tiếp giáp giữa huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây).
Hiện chưa rõ năm sinh. Năm 542, Lý Bí phát động khởi nghĩa và chỉ trong vòng ba tháng đã quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi. Năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi hoàng đế, xưng là Lý Nam Ðế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Ðại Ðức (cũng có thư tịch cổ chép là Thiên Ðức). Liên tục trong hai năm (545 và 546), nhà Lương cho quân sang đàn áp. Sau trận thất bại ở hồ Ðiển Triệt (Vĩnh Phúc), Lý Nam Ðế giao quyền bính lại cho Triệu Quang Phục rồi tạm lánh vào động Khuất Lão (Vĩnh Phúc) và mất ở đấy vào năm 548. Do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ Lý Nam Ðế bao nhiêu tuổi.

Triệu Việt Vương (546-571):
Họ và tên: Triệu Quang Phục
Nguyên quán: Phủ Vĩnh Tường (nay là vùng giáp giới giữa Hà Tây với Vĩnh Phúc). Khi Lý Bí phát động khởi nghĩa, Triệu Quang Phục và cha là Triệu Túc cùng hưởng ứng. Khi Lý Bí xưng là Lý Nam Ðế, Triệu Quang Phục được phong tới chức Tả Tướng. Năm 546, sau thất bại trong trận đánh ở hồ Ðiển Triệt, Triệu Quang Phục được Lý Nam Ðế uỷ thác quyền trông coi nghĩa binh. Triệu Quang Phục đã đưa lực lượng về đầm Dạ Trạch (đầm này nay thuộc Châu Giang, Hưng Yên) và tổ chức chiến đấu tại đây. Năm 548, sau khi nghe tin Lý Bí đã qua đời, Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương. Năm 557, Triệu Việt Vương đã đánh tan lực lượng đi càn quét của nhà Lương, giành lại quyền tự chủ cho đất nước, đồng thời, thành lập một guộng máy chính quyền độc lập do ông đứng đầu. Năm 571, do bị Lý Phật Tử tấn công bất ngờ, Triệu Việt Vương thua trận và bị giết. Do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ Triệu Việt Vương thọ bao nhiêu tuổi.

Lý Phật Tử (556-602):
Năm 546, khi thua trận ở Ðiển Triệt, lực lượng của Lý Nam Ðế bị chia làm hai. Bộ phận thứ nhất do Triệu Quang Phục (người về sau xưng là Triệu Việt Vương) cầm đầu. Triệu Quang Phục là vị tướng được Lý Nam Ðế tin cậy mà uỷ thác mọi quyền bính. Bộ phận thứ hai do tướng Lý Phục Man cầm đầu. Lý Phục Man họ tên gì chưa rõ, ông vì có công chinh phục người Man, được Lý Nam Ðế yêu quý mà đặc tên là Phục Man, lại cho được lấy họ Lý, sử nhân đó gọi là Lý Phục Man. Ông người làng Yên Sở. Làng này nay thuộc huyện Ðan Phượng, tỉnh Hà Tây.

Cũng năm 546, nếu Triệu Quang Phục bám trụ ở đầm Dạ Trạch và chiến đấu ngoan cường với quân nhà Lương, thì Lý Phục Man đã đem lực lượng chạy vào vùng phía tây Thanh Hoá ngày nay. Năm 555, Lý Phục Man mất, một vị tướng người cùng họ với Lý Nam Ðế là Lý Phật Tử lên thay. Năm 557, khi Triệu Việt Vương đánh tan quân nhà Lương thì Lý Phật Tử cũng lập tức đem quân đánh Triệu Việt Vương để giành quyền binh.

Sau nhiều trận không phân thắng bại, hai bên tạm lấy vùng đất tương ứng với huyện Từ Liêm (Hà Nội) ngày nay làm ranh giới. Từ đất này trở về Nam thì do Lý Phật Tử cai quản, trở ra Bắc thì do Triệu Việt Vương cai quản.

Lý Phật Tử cho con trai là Nhã Lang kết hôn với con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương, mượn danh nghĩa thông gia để làm cho Triệu Việt Vương mất cảnh giác. Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ cho quân đánh úp, khiến Triệu Việt Vương bị đại bại và bị giết. Lý Phật Tử thâu tóm được mọi quyền hành. Sử cũ gọi đó là Hậu Lý Nam Ðế. Năm 581, nhà Tuỳ được dựng lên. Sau một thời gian lo củng cố quyền thống trị ở Trung Quốc, năm 602, nhà Tuỳ liền dùng áp lực quân sự, khiến Lý Phật Tử phải đầu hàng. Không thấy sử cũ ghi chép gì về số phận của Lý Phật Tử sau khi đầu hàng. Chưa rõ năm sinh và năm mất nên chưa rõ Lý Phật Tử thọ bao nhiêu tuổi.

Chính quyền Ðinh Kiến (687):

Từ năm 618 đến năm 905, đất nước ta bị nhà Ðường đô hộ. Năm 679, nhà Ðường lập ra An Nam Ðô Hộ phủ, sử Trung Quốc bắt đầu gọi ta là An Nam kể từ đó.
Năm 687, quan cai quản An Nam Ðô Hộ Phủ của nhà Ðường là Lưu Diên Hựu thu thuế rất tham tàn, khiến cho nhân dân ta rất căm phẫn. Nhân cơ hội đó, một vị hào trưởng là Lý Tự Tiên (nay vẫn chưa rõ quê quán) đã bí mật tổ chức một cuộc khởi nghĩa lớn. Nhưng cơ mưu bị bại lộ, Lý Tự Tiên bị Lưu Diên Hựu giết chết. Tiếp nối sự nghiệp của Lý Tự Tiên, một vị hào trưởng cũng là một thuộc tướng của Lý Tự Tiên đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy. Vị hào trưởng ấy là Ðinh Kiến.
Ngay trong năm 687, Ðinh Kiến đã giết chết được Lưu Diên Hựu và chiếm được phủ đô hộ là thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay), đồng thời, nhanh chóng thiết lập một hệ thống chính quyền do ông đứng đầu. Ðinh Kiến chưa xưng đế hay xưng vương, cũng chưa đặt quốc hiệu hay niên hiệu, nhưng chính quyền do ông đứng đầu thực sự là chính quyền độc lập và tự chủ. Hiện vẫn chưa rõ quê quán cũng như năm sinh và năm mất của Ðinh Kiến.

Chính quyền Mai Hắc Ðế (722):

Họ và tên: Mai Thúc Loan (còn có tên khác là Mai Huyền Thành).
Sinh quán: huyện Thiên Lộ (nay đất sinh quán của ông thuộc Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Sau gia đình ông di cư về vùng Ngọc Trường (vùng này, nay thuộc huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An). Mai Thúc Loan sinh trưởng trong một gia đình nghèo, bản thân ông luôn bị quan lại nhà Ðường bắt phải đi phu, phục dịch rất vất vả. Năm 722, ông phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa lớn. Cũng ngay năm này, Mai Thúc Loan đã cho xây dựng đại bản doanh tại Hùng Sơn (tục danh là Núi Ðụn) và lập căn cứ dọc theo bờ sông Lam (Nghệ An). Ðồng thời, để quy tụ lòng người, ông đã lên ngôi hoàng đế, xưng là Mai Hắc Ðế (ông vua người họ Mai, da đen). Mai Hắc Ðế đã lãnh đạo nghĩa quân, đánh cho quan đô hộ của nhà Ðường lúc ấy là Quang Sở Khách phải hốt hoảng tháo chạy về nước. Nhà Ðường đã phải huy động một lực lượng lớn mới đàn áp được Mai Hắc Ðế và nghĩa sĩ của ông. Mai Hắc Ðế mất năm 722, do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi.

Chính quyền họ Phùng (? - 791):

Bố Cái Ðại Vương (?-789):
Họ và tên: Phùng Hưng tự là Công Phấn.
Nguyên quán: Ðường Lâm, Phong Châu (đất này nay thuộc huyện Ba Vì - Hà Tây).
Phùng Hưng sinh trưởng trong một gia đình đời đời làm quan lang của vùng Phong Châu. Bấy giờ, nhà Ðường đô hộ nước ta. Quan đô hộ là Cao Chính Bình khét tiếng tham lam và tàn bạo, khiến cho nhân dân ta căm phẫn, đồng thời, binh lính của Cao Chính Bình cũng chống đối quyết liệt. Nhân cơ hội đó, Phùng Hưng phát động khởi nghĩa. Hiện chưa rõ khởi nghĩa bùng nổ vào năm nào. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Phùng Hưng phát động khởi nghĩa trong khoảng từ năm 766 đến năm 779. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Phùng Hưng đã chiếm được thành Tống Bình. Sau đó, thúc đẩy các lực lượng còn lại của nhà Ðường ở trên đất nước ta, đồng thời thiết lập một bộ máy chính quyền do ông đứng đầu. Khoảng 7 năm sau khi cầm đầu guồng máy chính quyền này Phùng Hưng qua đời (năm 789). Sau khi mất, ông được truy tôn là Bố Cái Ðại Vương. Do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ ông thọ bao nhiêu tuổi.

Phùng An (789-791):
Con của Bố Cái Ðại Vương Phùng Hưng, không rõ sinh năm nào. Nối nghiệp cha, cầm đầu guồng máy chính quyền độc lập và tự chủ kể từ năm 789. Năm 791, nhà Ðường cử viên tướng nổi tiếng xảo quyệt là Triệu Xương sang đàn áp. Phùng An đầu hàng. Sau, không rõ số phận của Phùng An ra sao.

Chính quyền Dương Thanh (819-820):

Dương Thanh là một vị hào trưởng của đất Hoan Châu (đất này nay thuộc Nghệ An) và cũng là người được nhà Ðường cho làm Thứ Sử của châu này. Biết Dương Thanh là người giàu lòng yêu nước, quan đô hộ của nhà Ðường là Lý Tượng Cổ đã dụng mưu kế để làm giảm uy tín của ông, đồng thời, tách ông ra khỏi dân châu Hoan. Năm 819, Dương Thanh đã phát động cuộc khởi nghĩa lớn, giết chết được Lý Tượng Cổ, đồng thời thiết lập được hệ thống chính quyền tự chủ do ông đứng đầu Sau nhiều phen đàn áp nhưng bị thất bại, nhà Ðường đã dùng kế li gián để chia rẽ lực lượng của Dương Thanh. Ông bị cô lập dần, để rồi cuối cùng, bị tru di tam tộc vào năm 820. Hiện chưa rõ năm sinh nên chưa rõ ông thọ bao nhiêu tuổi. Cũng như nhiều vị thủ lĩnh kiệt xuất khác, Dương Thanh không xưng đế hay xưng vương, chưa đặt quốc hiệu và niên hiệu, nhưng chính quyền do ông thiết lập ra thực sự là chính quyền độc lập và tự chủ.

Trên đây là những hệ thống chính quyền tiêu biểu nhất, được thành lập trong hoặc sau thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc, gồm nhiều quy mô và tính chất khác nhau. Hẳn nhiên, đó cũng chưa phải là tất cả, nhưng, dẫu nhìn từ bất cứ góc độ nào thì đó cũng thực sự là tinh hoa của lịch sử chống xâm lăng thời Bắc thuộc.

Triều Ngô Vương (Từ năm 939 - 965)

Triều Ngô Vương (Từ năm 939 - 965)

Ngô Vương (939-944)
Hậu Ngô Vương (950-965)
Ngô Quyền phá quân Nam Hán:
Ngô Quyền là bộ tướng của Dương Ðình Nghệ sinh ngày 12 tháng 3 năm Ðinh Tỵ (897) ở Ðường Lâm (Ba Vì - Hà Tây). Cha của Ngô Quyền là Ngô Mâm, một hào trưởng có tài. Lớn lên trên quê hương có truyền thống bất khuất, nơi sinh sản và nuôi dưỡng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền sớm tỏ rõ trí khí phi thường hiếm thấy. Vốn thường xuyên luyện tập võ nghệ nên tiếng tăm Ngô Quyền lan rộng cả một vùng. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư mô tả Ngô Quyền “vẻ khôi ngô, sức có thể nhấc vạc, giơ cao”. Vì có tài nên Dương Ðình Nghệ giao cho Ngô Quyền cai quản đất Ái Châu và gả con gái cho.
Trong 5 năm (934-938), Ngô Quyền đã đem lại yên vui cho đất Ái Châu, tỏ rõ là người có tài đức. Khi Dương Ðình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại và vua Nam Hán là Lưu Cung cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo đem quân sang xâm lược nước ta, Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng để trừ nội phản, diệt ngoại xâm. Từng hâm mộ tài đức của Ngô Quyền, hào trưởng từ nhiều nơi đem binh về với Ngô Quyền. Ðầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền đem quân vượt qua đèo Ba Dội, tiến như vũ bão vào Ðại La, bắt giết tên nội phản Kiều Công Tiễn, bêu đầu hắn trước cổng thành. Thù trong đã diệt xong, Ngô Quyền rảnh tay đối phó với giặc ngoài. Ðem quân xâm lược nước ta, chưa biết thắng bại ra sao, Lưu Cung đã vội phong cho con tước Giao Vương (tước vương đất Giao Chỉ). Lưu Cung còn đích thân đốc quân ra đóng ở trấn Hải Môn để sẵn sàng chi viện. Ðể chống lại giặc mạnh, Ngô Quyền đưa ra kế hoạch độc đáo. Ông cho bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bặch Ðằng khi nước triều lên ông cho quân ra khiêu chiến, quân Nam Hán đuổi theo, thuyền giặc vào bên trong hàng cọc, đợi khi thuỷ triều xuống sẽ dốc toàn sức tiêu diệt địch bằng một trận quyết chiến nhanh gọn. Tháng 12 năm Mậu Tuất (938) các chiến thuyền của giặc hùng hổ vượt biển tiến vào sông Bạch Ðằng. Chúng nghênh ngang tràn vào trận địa mai phục của Ngô Quyền. Bị đánh bất ngờ nên chỉ trong một thời gian ngắn thuyền giặc bị đắm gần hết, quân giặc bị chết quá nửa, máu chảy loang đỏ khúc sông, Hoằng Tháo cũng bị đâm chết tại trận. Tin thất trận ở sông Bạch Ðằng cùng với tên Hoằng Tháo bị giết khiến vua Nam Hán kinh hoàng phải khóc lên, thu nhặt tàn binh rút chạy.
Vua Nam Hán trước tên là Nham sau đổi là Thiệp rồi sau đó “vì có rồng trắng hiện lên” nên đổi là Cung. Bị thất trận, vua Nam Hán cho tên Cung là xấu và đã đổi tên khác là Yểm tức Lưu Yểm.
Sau chiến thắng, Ngô Quyền xưng vương, bãi chức tiết độ sứ, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội). Ðể củng cố trật tự chiều chính, Ngô Quyền đặt ra các chức quan văn võ, quy định nghi lễ trong triều. Ðáng tiếc, thời gian trị vì của Ngô Quyền quá ngắn ngủi, chỉ được 6 năm (939-944) thì mất, thọ 47 tuổi.

Dương Tam Kha:
Thời trẻ, Ngô Quyền lấy con gái Dương Ðình Nghệ. Khi Ngô Quyền lên ngôi vua, Dương Thị được lập làm Vương Hậu. Khi sắp mất, Ngô Vương uỷ thác con là Ngô Xương Ngập cho Dương Tam Kha là em Dương Hậu. Lợi dụng cháu nhỏ, Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu tự xưng là Bình Vương. Ngô Xương Ngập thấy biến, chạy trốn vào Nam Sách (Hải Dương) vào ở ẩn nhà Phạm Lệnh Công. Dương Tam Kha sai quân đi đuổi bắt, Phạm Lệnh Công đem Xương Ngập trốn trong núi, Dương Tam Kha bắt em Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn làm con nuôi. Năm Canh Tuất (950) nhân có loạn ở Sơn Tây, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng tướng Dương Cát Lợi và Ðỗ Cảnh Thạc đem quân đi đánh. Ðến Từ Liêm, Ngô Xương Văn mưu với 2 tướng đem quân trở về bắt Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn nghĩ tình cậu cháu không nỡ giết chỉ giáng Tam Kha xuống làm Chương Dương Công.

Hậu Ngô Vương (950-965):
Ngô Xương Văn gạt bỏ Dương Tam Kha xưng là Nam Tấn Vương và sai người tâm phúc đi đón anh là Ngô Xương Ngập về cùng trông coi việc nước. Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương. Cả hai anh em đều làm vua, sử gọi là hậu Ngô Vương.
Làm vua được ít lâu, Thiên Sách Vương nghĩ cách trừ Nam Tấn Vương để một mình làm vua. Âm mưu đó chưa kịp thi hành thì năm Giáp Dần (954) Thiên Sách Vương mất. Ðến lúc này, thì lực nhà Ngô ngày một suy yếu, thổ hào các nơi xưng là sứ quân ra sức chống đối buộc Nam Tấn Vương phải thân chinh đi đánh dẹp. Năm Ất Sửu (965) trong một trận giao chiến ở Thái Bình (Đường Lâm, Sơn Tây), Nam Tấn Vương không may bị giặc bắn chết, làm vua được 15 năm. Con Thiên Sách Vương là Ngô Xương Xí nối nghiệp lên làm vua về giữ đất Bình Kiều, Thanh Hoá. Như vậy, triều Ngô bắt đầu từ Ngô Quyền, qua Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, đến Ngô Xương Xí, truyền được 3 đời, kéo dài 26 năm. Ðến Ngô Xương Xí trong nước có cả thảy 12 sứ quân, gây ra loạn lạc nồi da nấu thịt kéo dài hơn 20 năm, 12 sứ quân đó là:

1. Ngô Xương Xí, giữ Bình Kiều (Triệu Sơn - Thanh Hoá).
2. Ðỗ Cảnh Thạc, giữ Ðỗ Ðộng Giang (Thanh Oai - Hà Tây).
3. Trần Lãm, giữ Bố Hải Khẩu (Kỳ Bố, Thái Bình).
4. Kiều Công Hãn, giữ Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ).
5. Nguyễn Khoan giữ Tam Ðái (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
6. Ngô Nhật Khánh, giữ Ðường Lâm (Phúc Thọ, Hà Tây).
7. Lý Kê, giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh).
8. Nguyễn Thủ Tiệp, giữ Tiên Du (Bắc Ninh).
9. Lữ Ðường, giữ Tên Giang (Vân Giang, Hưng Yên).
10. Nguyễn Siêu, giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội).
11. Kiều Thuận, giữ Hởi Hồ (Cẩm Khê, Phú Thọ).
12. Phạm Bạch Hổ, giữ Ðằng Châu (Hưng Yên).

Những sứ quân ấy cứ đánh lẫn nhau, nhằm bành trướng thế lực khiến cho nhân dân vô cùng khổ sở. Về sau Ðinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư dẹp loạn sứ quân, quy giang sơn về một mối lập lên cơ nghiệp nhà Ðinh.

Nhà Đinh

Nhà Đinh

Nhà Ðinh trị vì đất nước ta trong khoảng 13 năm (968-980), trải qua 2 đời vua, bao gồm:
- Đinh Tiên Hoàng;
- Đinh Toàn.
Ðinh Tiên Hoàng (968-979):

Niên Hiệu: Thái Bình (970-979).
Ðinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, Châu Ðại Hoàng (Hoa Lư, Ninh Bình), con Ðinh Công Trứ, một nha tướng của Dương Ðình Nghệ giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Ðinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở thường đi chơi với trẻ chăn trâu, bắt chúng khoanh tay làm kiệu để ngồi cho chúng rước và lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau.

Lớn lên nhờ thông minh, có khí phách, lại có tài thao lược nên khi Bộ Lĩnh dựng cờ giấy nghĩa mong lập nghiệp lớn, dân làng theo ông rất đông, nhưng vì bất hoà với chú, Bộ Lĩnh cùng với con là Ðinh Liễn sang ở với sứ quân Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu (Vũ Thư, Thái Bình). Thấy Bộ Lĩnh là người khôi ngô có chí khí, Minh Công trao cho Bộ Lĩnh giữ binh quyền. Khi Trần Minh Công qua đời Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt hùng cứ một phương.

Năm Tân Hợi (951) đời hậu Ngô Vương, Nam Tấn Vương, cùng Thiên Sách Vương đem quân đến đánh nhưng cả hai đều đại bại phải rút quân về. Ðến khi nhà Ngô mất, Ðinh Bộ Lĩnh dụ hàng được các sứ quân Ngô Xương Xí, phá được Ðỗ Ðộng của Nguyễn Cảnh Thạc. Từ đó, Ðinh Bộ Lĩnh đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn Thắng vương, chỉ trong một năm, Ðinh Bộ Lĩnh đã bình được các sứ quân, lập thành nghiệp đế.

Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Tiên Hoàng Ðế đặt quốc hiệu là đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ðinh Tiên Hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, phong cho Nguyễn Bặc là Ðinh Quốc Công, Lê Hoàn là Thập Ðạo Tướng Quân (tổng chỉ huy quân đội) và phong cho con là Ðinh Liễn là Nam Việt Vương.

Về ngoại giao để tránh cuộc đụng độ với nhà Tống năm Nhâm Thân (972), Ðinh Tiên Hoàng sai con là Ðinh Liễn mang đồ vật sang cống. Vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng là Giao Chỉ quận vương và phong cho Nam Việt Vương Ðinh Liễn là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Từ đó nước ta giữ lệ sang triều cống phương Bắc. Ðinh Tiên Hoàng đã dẹp xong loạn sứ quân nhưng nhìn chung nhiều nơi vẫn chưa tuân theo luật lệ của triều đình. Bởi vậy để răn đe kẻ phản loạn, Ðinh Tiên Hoàng đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn, tuyên cáo rằng ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hoặc cho hổ báo ăn thịt. Dù chưa phải dùng hình phạt ấy nhưng mọi người sợ oai, phép nước được tuân thủ.

Nhưng rồi Ðinh Tiên Hoàng phạm sai lầm bỏ trưởng lập ấu, cho con út là Hạng Lang làm Thái tử. Con trưởng là Nam Việt Vương Ðinh Liễn đã theo Tiên Hoàng đi trận mạc từ thủa hàn vi, không được kế vị, tức giận, sai người giết Hạng Lang đi. Họa loạn gây nên ngay trong hoàng tộc.

Năm Kỷ Mão (979) Ðinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Ðinh Liễn bị tên Ðỗ Thích giết chết. Sử chép rằng tên Đỗ Thích trước khi làm hại, đêm nằm mơ thấy sao rơi vào mồm, tưởng là điềm báo được làm vua bèn định bụng sát hại minh chủ. Một hôm Ðỗ Thích thấy vua Ðinh say rượu nằm trong cung bèn lẻn vào sát hại rồi tìm giết nốt con cả là Ðinh Liễn. Triều thần tìm bắt được Ðỗ Thích đem xử tội và tôn Vệ Vương Ðinh Toàn lên làm vua.

Ðinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi.

♦ Đinh Toàn (980):

Ðinh Tiên Hoàng có 3 người con trai: Ðinh Liễn, Ðinh Toàn (có sách gọi là Ðinh Tuệ) và Ðinh Hạng Lang. Ðinh Liễn và Ðinh Hạng Lang đã chết mặc nhiên Ðinh Toàn kế nghiệp ngôi vua. Các đại thần Ðinh Ðiền, Nguyễn Bặc thấy vua còn nhỏ quyền bính nằm cả trong tay thập đạo tướng quân Lê Hoàn, lại nghi là Lê Hoàn tư thông với Dương Thái Hậu (Dương Vân Nga) nên cử binh mã đến đánh. Nhưng bị Lê Hoàn giết sạch. Giữa lúc ấy nhà Tống nghe tin Tiên Hoàng mất, các đại thần nước Việt phân liệt tranh chấp gay gắt, có nguy cơ nội chiến, muốn thừa thế sang lấy nước Việt mới hội đại binh ở gần biên giới. Lê Hoàn sai Phạm Cự Lượng làm đại tướng đem binh đi chống giữ. Trước lúc tiến quân Phạm Cự Lượng họp cả quân sĩ lại ở trong điện nói rằng: "Bây giờ quân địch sắp vào cõi mà vua thì còn bé, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng ta. Dẫu chúng ta có hết sức lập được chút công nào thì rồi ai biết cho? chẳng bằng nay ta tôn Thập đạo tướng quân lên làm vua rồi ra đánh cũng chưa muộn. Quân sĩ nghe nói đều hô vạn tuế. Dương Vân Nga thay con cầm quyền trị nước cũng thấy rõ chỉ có Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng gỡ rối được tình hình nghiêm trọng cần kíp lúc này. Huống chi ý chí quân đội cũng muốn tôn người chỉ huy của họ lên ngôi tối thượng thay cho vị vua mới 6 tuổi là con Dương Vân Nga. Bởi vậy, Dương Vân Nga đã lấy trước long bào, bà choàng lên vai Lê Hoàn trong tiếng hò reo dậy trời của quân sĩ. Sự tỏ ý nhường ngôi của Dương Vân Nga trong hoàn cảnh ấy, đã biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một người, thức thời có tầm nhìn xa, trông rộng xứng đáng được coi là anh hùng".

Ðinh Toàn chỉ làm vua được 8 tháng, sử gọi là Phế Ðế rồi tồn tại với tước vương (Vệ Vương) có mặt trong triều đình Tiền Lê 20 năm. Năm Tân Sửu (1001) trong dịp cùng vua Lê Ðại Hành (Lê Hoàn) đi dẹp loạn Cử Long thuộc vùng Cầm Thuỷ, Thanh Hoá, Ðinh Toàn bị trúng tên hy sinh trên chiến tuyến vào tuổi 27.

Như vậy triều đình Ðinh làm vua được 2 đời, cả thảy 14 năm. Lê Hoàn lên làm vua, Dương Vân Nga trở thành Hoàng hậu.